Các thí sinh được xét tuyển thuộc diện này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ. Chương trình, nội dung và cách thức tổ chức học bổ sung kiến thức cho sinh viên thuộc diện này do hiệu trưởng Trường ĐH, CĐ quyết định.
Ngoài ra, quyết định mới này còn cho phép áp dụng ưu tiên trong tuyển sinh quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy dành cho thí sinh thuộc 20 huyện (thị xã) thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam Bộ có nguyện vọng xét tuyển vào học các trường ĐH, CĐ Tây Nam Bộ.
Theo đó, thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Sau khi nhập học, những thí sinh này được học bổ sung kiến thức 1 năm trước khi vào học chính thức.
Các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được hưởng chính sách tuyển sinh đặc thù gồm: Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, các huyện phía tây Thanh Hóa, các huyện phía tây Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Danh sách các huyện thị xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn khu vực Tây Nam Bộ hưởng chính sách tuyển sinh đặc thù 2012 gồm các huyện thuộc tỉnh: Long An Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ, Thạch Hóa, Tân Thạnh; Các huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp: Hồng Ngự, Tân Hồng, TX Hồng Ngự; Tỉnh An Giang có các huyện: TX Tân Châu, An Phú, TX Châu Đốc, Tịnh Biên,Tri Tôn; Tỉnh Kiên Giang: Giang Thành,TX Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc; Tỉnh Hậu Giang: Long Mỹ; Tỉnh Bạc Liêu: Phước Long.