Trang chủ / Tin tức sự kiện / Tin ngành y - dược / 10 thực tế về nuôi con bằng sữa mẹ

10 thực tế về nuôi con bằng sữa mẹ

11/10/2023 - 2,904 Lượt xem

10 thực tế về nuôi con bằng sữa mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách hiệu quả nhất đảm bảo sức khỏe và sự sống cho trẻ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời kết hợp với ăn bổ sung đúng cách giúp phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ và có thể cứu sống khoảng một triệu trẻ nhỏ.
Trên thế giới, tỷ lệ trẻ dưới sáu tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn chiếm chưa đầy 40%.  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ. Dưới đây sẽ liệt kê nhiều ích lợi của nuôi con bằng sữa mẹ và những cách giúp đỡ cho các bà mẹ trên toàn thế giới tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ.
1. WHO khuyến cáo: cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời. Sau sáu tháng, bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung các loại thực phẩm khác ngoài sữa mẹ cho đến khi trẻ được hai tuổi trở lên. Chú ý:
– bắt đầu cho trẻ bú mẹ trong vòng một giờ sau khi sinh;
– cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu của trẻ, cả ngày và đêm;
– không cho trẻ bú bình hoặc dùng núm vú giả.

2. Lợi ích của sữa mẹ với sức khỏe của trẻ sơ sinh
Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó cung cấp cho trẻ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển lành mạnh. Sữa mẹ an toàn và có chứa các kháng thể giúp bảo vệ trẻ tránh bệnh thường gặp ở trẻ em như tiêu chảy và viêm phổi – hai nguyên nhân chính gây ra tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Sữa mẹ là an toàn và sẵn có, bảo đảm cho trẻ sơ sinh được nuôi dưỡng đầy đủ.
3. Lợi ích của việc cho con bú đối với các bà mẹ
Cho con bú cũng mang lại lợi ích cho các bà mẹ. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn cũng là một phương pháp tránh thai tự nhiên (có tác dụng bảo vệ tới 98% trong 6 tháng đầu sau khi sinh). Cho con bú cũng làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng sau này, giúp phụ nữ lấy lại vóc dáng như trước khi mang thai nhanh hơn và làm giảm tỷ lệ béo phì.
4. Lợi ích lâu dài cho trẻ
Ngoài những lợi ích trước mắt của trẻ, bú mẹ góp phần đem lại một cuộc sống khỏe mạnh. Những người trưởng thành được bú mẹ lúc nhỏ thường có huyết áp thấp hơn và lượng cholesterol thấp hơn, cũng như ít bị thừa cân, béo phì và tiểu đường týp 2. Có bằng chứng cho thấy những người được nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn.
5. Tại sao không dùng sữa công thức cho trẻ sơ sinh?
Sữa công thức cho trẻ sơ sinh không có các kháng thể như trong sữa mẹ. Khi pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh không đúng cách, sẽ có nguy cơ khiến trẻ bị mắc bệnh do sử dụng nước không sạch và bình sữa, núm vú không được khử trùng hoặc sữa bột bị nhiễm khuẩn. Cho trẻ ăn sữa pha quá loãng cho đủ số lượng có thể gây suy dinh dưỡng. Hơn nữa, nếu mẹ cho trẻ bú thường xuyên sẽ giúp duy trì việc tiết sữa. Nếu loại sữa công thức thường dùng trở nên khan hiếm, sẽ khó có thể quay trở lại cho trẻ bú mẹ do quá trình tiết sữa mẹ giảm sút.
6. HIV và cho con bú
Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền bệnh sang con trong quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú. Dùng thuốc thuốc kháng retrovirus (ARV) cho mẹ hoặc trẻ sơ sinh giúp làm giảm nguy cơ lây truyền HIV trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Bú mẹ và dùng ARV có thể cải thiện đáng kể cơ hội sống của trẻ sơ sinh trong khi không làm trẻ bị lây nhiễm HIV. WHO khuyến cáo rằng khi các bà mẹ có HIV cho con bú, họ cần dùng ARV và tuân theo hướng dẫn của WHO trong việc nuôi con bằng sữa mẹ và cho ăn bổ sung.
7. Quy định về các sản phẩm thay thế sữa mẹ
Năm 1981, một bộ luật quốc tế quy định việc tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ đã được thông qua. Theo đó:
– Tất cả các nhãn hiệu và thông tin trên hộp sữa phải nêu rõ những lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ và nguy cơ sức khỏe của sản phẩm thay thế;
– Không khuyến khích các sản phẩm thay thế sữa mẹ;
– Không tặng hàng mẫu sản phẩm thay thế cho phụ nữ mang thai, các bà mẹ hay gia đình của họ;
– Không biếu tặng hoặc trợ cấp các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho nhân viên y tế.
8. Cần thiết phải hỗ trợ cho các bà mẹ
Nuôi con bằng sữa mẹ phải được hướng dẫn cụ thể vì nhiều phụ nữ gặp khó khăn ngay từ ban đầu. Đau núm vú và lo ngại không có đủ sữa cho con bú là các nguyên nhân thường gặp. Các cơ sở y tế có thể hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua đội ngũ tư vấn viên có kỹ năng trợ giúp các bà mẹ mới sinh, giúp làm tăng tỷ lệ các bà mẹ cho con bú. Để cung cấp sự trợ giúp này và cải thiện chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, hiện nay có hơn 20.000 bệnh viện “bạn hữu trẻ em”” tại 152 quốc gia nhờ một sáng kiến ​​của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.
9. Làm việc và cho con bú
Nhiều bà mẹ trở lại làm việc, giảm bớt việc cho con bú hoặc hoàn toàn ngừng cho trẻ bú mẹ bởi vì người mẹ không có đủ thời gian hoặc chỗ riêng cho con bú, vắt sữa và dự trữ sữa của mình. Các bà mẹ cần một chỗ an toàn, sạch sẽ và riêng tư ở ngay tại chỗ làm hoặc gần nơi làm việc để họ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Cho phép người mẹ có thời gian nghỉ thai sản, sắp xếp công việc bán thời gian, bố trí nơi trông giữ trẻ tại chỗ, tạo điều kiện để người mẹ vắt sữa và lưu trữ sữa mẹ, nghỉ giữa giờ cho con bú… giúp tạo thuận lợi cho việc nuôi con bằng sữa mẹ.

10. Bước tiếp theo: chuẩn bị cho trẻ ăn bổ sung
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên, cần cho trẻ ăn bổ sung trong khi trẻ tiếp tục được bú mẹ. Các thực phẩm cho trẻ ăn bổ sung có thể được chuẩn bị riêng hoặc từ chính bữa ăn gia đình. WHO lưu ý rằng:
– Không nên cho trẻ giảm bú khi bắt đầu cho ăn bổ sung;
– Thức ăn bổ sung nên được cho ăn bằng thìa hay cốc, không nên cho vào bình sữa;
– Thực phẩm phải sạch, an toàn và sẵn có ở địa phương;
– Cần nhiều thời gian để trẻ nhỏ học cách ăn thức ăn đặc.
Nam Nguyên (Theo WHO)