Giáo viên và thầy thuốc là hai nghề thiêng liêng mà xã hội vinh danh bằng chữ “Thầy”. Hãy cùng tưởng nhớ những người Thầy nổi tiếng nhất trong nghề Y.
Tri ân những người Thầy nổi tiếng nhất trong ngành Y
Dưới đây là những người Thầy nổi tiếng nhất làm nên lịch sử ngành Y mà học sinh, sinh viên các trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học Y không thể không biết:
Danh Y Tuệ Tĩnh có tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, người làng Nghĩa Phú, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương).
Ông được phong là ông tổ của nền Y dược cổ truyền Việt Nam với đóng góp nổi bật nhất là bộ sách Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa và bộ Hồng Nghĩa tư giác y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Đường luật (nôm), và bài Phú thuốc Nam 630 vị cũng dùng quốc ngữ.
Danh Y Tuệ tĩnh
Danh Y Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là huyện Mỹ Vǎn, tỉnh Hải Hưng).
Cơ duyên đến ngành Y của Hải Thượng Lãn Ông bắt nguồn từ đợt ốm nặng trong vòng hai, ba năm liền chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Chính trận ốm này là bước ngoặt quan trọng đối với cuộc đời của Lê Hữu Trác và nghề thuốc Việt nam. Sau nhiều năm tìm thầy chữa bệnh không kết quả, Lê Hữu Trác nhờ cáng đến nhà một thầy thuốc ở Rú Thành thuộc xã Trung Cần, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An) tên là Trần Ðộc thi đỗ cử nhân rồi ở nhà làm thuốc được nhân dân rất tín nhiệm.
Năm 62 tuổi, Hải Thượng Lãn Ông được chúa Trịnh Sâm triệu ra thủ đô Thăng Long để chữa bệnh cho con là Trịnh Cán, nhưng đơn thuốc kê lên bị các thầy thuốc khác trong phủ chúa gièm pha và không được dùng. Tuy nhiên sách thuốc của ông không những được học trò sao chép dùng tại chỗ mà còn được đưa đi rất xa tới tận thủ đô và có người nhờ học sách thuốc của mình mà đã trở thành thầy thuốc giỏi ở thủ đô nên đã lập bàn thờ, thờ sống Hải Thượng để tỏ lòng nhớ ơn.
Danh Y Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác
Giáo sư Hồ Đắc Di sinh năm1900, sang Pháp du học (1918-1932), đỗ bác sĩ nội trú. Ở đây Hồ Đắc Di làm phẫu thuật một thời gian ở bệnh viện Tenon, rồi về nước. …
Trong luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa làm tại Paris, Giáo sư Hồ Đắc Di là người đầu tiên sáng tạo một phương pháp mổ dạ dày (nối thông dạ dày – tá tràng) để điều trị chứng hẹp môn vị do bệnh loét dạ dày – tá tràng gây ra, thay thế cho phương pháp cắt bỏ dạ dày vẫn dùng trước đó, được nhiều sách giáo khoa, nhiều công tình nhắc đến và thừa nhận giá trị trong suốt 30 – 40 năm.
Ngoài ra nghiên cứu về Viêm tụy có phù cấp tính do Ông phát hiện từ 1937 đã mở đường cho các kết quả nghiên cứu rực rỡ sau này của Tôn Thất Tùng. Cách điều trị bằng phẫu thuật các biến chứng viêm phúc mạc do thương hàn cũng có đóng góp lớn trong mở đường nghiên cứu thủng túi mật. Theo sử sách ngành Y Việt Nam ghi nhận, với 21 công trình hiện tìm được trong 37 công trình đã công bố, Ông là nhà phẫu thuật đầu tiên, xứng đáng được hội đồng giáo sư (toàn người Pháp) đánh giá cao và được bầu chọn là giáo sư đầu tiên của Việt Nam.
Giáo sư Hồ Đắc Di
Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7/5/1909. Ông là sinh viên trường đại học Y khoa Hà Nội, hết năm thứ tư, ông sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa năm 1934.
Cuối năm 1946, ông ra Bắc và được cử làm Thứ trưởng phủ Chủ tịch. Giữa năm 1953, ông trở ra Bắc, được phân công làm Trưởng ban y tế của Đảng phụ trách công tác Y tế an toàn Khu (ATK) và làm Giám Đốc bệnh xá 303. Năm 1954, hoà bình được lập lại trên nửa đất nước, ông lại được cử làm Thứ trưởng, năm 1958 làm Bộ trưởng, Bí thư đảng đoàn Bộ y tế.
Năm 1959 ở Hà Nội xảy ra vụ đại dịch bại liệt trẻ em gây lo lắng cho nhiều gia đình, chính Ông đã quyết định dùng Vacxin Sabin của Liên Xô cũ sản xuất để tiêm phòng cho trẻ em và ngày nay nhờ Vacxin Sabin, chúng ta đang phấn đấu để loại trừ bệnh bại liệt ở trẻ em ra khỏi cuộc sống xã hội. Năm 1964 Ông đã viết và cho xuất bản cuốn sách ” Quán triệt phương châm phòng bệnh trong công tác bảo vệ sức khoẻ” nêu lên những cơ sở về xã hội, về phòng bệnh ở Việt Nam và bảy bài học kinh nghiệm.
Năm 1967 Ông viết và cuốn sách bằng tiếng Pháp nhan đề: ” nhiệm vụ của y tế trong chiến tranh” nhằm giới thiệu với bạn bè trên thế giới các bài học kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam đối phó với cuộc chiến tranh huỷ diệt và lên án những tội ác dã man của đế quốc Mỹ đã gây cho nhân dân Việt Nam. Thời gian này ông còn kiêm thêm nhiệm vụ Chủ Tịch Uỷ Ban điều tra tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ.
Trong vòng 10 năm từ 1957, ông đã công bố hơn 60 công trình nghiên cứu, bài báo khoa học đǎng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước hoặc được trình bày tại các hội nghị quốc tế. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được trao tăng Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Y tế – Năm 1958, tại Đại hội liên hoan Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất. Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1997vì các cống hiến trong lĩnh vực khoa học.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch
Giáo sư Đặng Văn Ngữ sinh ngày 04/04/1910, quê ở làng An Cựu, ngoại thành kinh đô Huế. Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937, tại trường Đại học Y khoa Hà Nội.
Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc, ông đã nghiên cứu thành công cách sản xuất ra thuốc nước Penicillin, loại thuốc kháng sinh này đã góp phần rất lớn trong điều trị chống nhiễm khuẩn cho thương binh và nhân dân trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này.
Năm 1955, ông sáng lập ra Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và côn trùng Việt Nam (Trung ương) Viện trưởng đầu tiên của viện này. Trong chiến tranh Việt Nam, ông tập trung nghiên cứu phòng chống và điều trị căn bệnh sốt rét tại Việt Nam.
Năm ngày 1 tháng 4 năm 1967, ông đã mất trong một trận Mỹ ném bom B52, tại một địa điểm trên dãy Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, khi đang nghiên cứu căn bệnh sốt rét. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một về lĩnh vực Y học.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ
Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/05/1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế. Năm 1932, ông học tại trường Y-Dược, sau đó năm 1935, ông được tuyển cùng 10 sinh viên khác làm ngoại trú tại Bệnh viện Phủ Doãn.
Với một dụng cụ thô sơ, chỉ bằng một con dao nạo, ông đã phẫu tích kỹ lưỡng cơ cấu của lá gan. Bằng phương pháp này, trong suốt thời gian từ 1935 đến năm 1939, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của các tử thi để nghiên cứu các mạch máu. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”. Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris (Trường Đại học Y-Dược tại Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận).
Vào những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”. Để ghi nhận công lao của người đầu tiên đã tìm ra phương pháp cắt gan này, người ta gọi là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng”.
Năm 1947, ông được Chính phủ cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Từ sau ngày hòa bình lập lại, , ông được cử làm Giám đốc bệnh viện hữu nghị Việt – Đức, chủ nhiệm bộ môn Ngoại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Năm 1958, giáo sư tiến hành thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1959, giáo sư phát triển khoa mổ sọ não và khoa ngoại nhi. Năm 1960, giáo sư là người đầu tiên đề xuất và áp dụng có kết quả xuất sắc việc mổ gan bằng phương pháp Việt Nam. Năm 1965, giáo sư triển khai thành công việc mổ tim bằng máy tim phổi nhân tạo ở nước ta.
Năm 1977, giáo sư Tôn Thấy Tùng được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue. Từ năm 2000, Nhà nước Việt Nam đặt ra một giải thưởng về Y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng.
Giáo sư Tôn Thất Tùng
Giáo sư Đặng Văn Chung sinh năm 1913 tại Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), ông đã lên chiến khu cùng GS. Hồ Đắc Di xây dựng Trường Y giữa núi rừng Việt Bắc.
Năm 1954, GS. Đặng Văn Chung là người đặt nền móng xây dựng các chuyên khoa hệ nội thuộc Bệnh viện Bạch Mai cũng như các bộ môn hệ nội thuộc Trường đại học Y Hà Nội… Những năm 1970, GS. Đặng Văn Chung đã dành nhiều công sức và trí tuệ viết ra 2 cuốn Bệnh học Nội khoa, Điều trị học cũng như hàng loạt tài liệu giảng dạy, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị.
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, GS. Đặng Văn Chung đã cùng các thầy cô lão thành xây dựng chương trình, triển khai đào tạo Bác sỹ nội trú, chuyên khoa cấp I, cấp II…. Trải qua hơn 60 năm cống hiến, giáo sư đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong ngành y tế như Trưởng bộ môn Nội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội và Chủ nhiệm Khoa Nội – Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật của Bộ Y tế.
Giáo sư Đặng Văn Chung